Một số phương pháp gây sai số thường gặp đối với cân đồng hồ lò xo

1. Trong quá trình sử dụng:

– Tháo gỡ niêm chì để chỉnh lò xo bên trong làm cho cân bị sai số theo mục đích sử dụng, nếu để bán ra thì chỉnh sai số (+) người tiêu dùng thường gọi là cân “non”, nếu mua vào thì chỉnh sai số (-) người tiêu dùng quen gọi là cân “già”, sau đó gắn lại bằng kẹp chì thông thường. Trường hợp này nếu người tiêu dùng chú ý thì có thể nhìn thấy vết răn do kềm để lại trên một góc chì niêm.

Tuy nhiên do khoa học ngày càng phát triển nên người ta có thể dùng một số keo chuyên dùng để dán lại cho chì niêm không tuột ra, vấn đề này tương đối khó phát hiện, cần có chuyên môn sâu mới có thể nhận biết được.

– Chỉnh mặt số gây sai số cục bộ: tùy theo nhu cầu sử dụng và tùy loại cân 1Kg, 2Kg, 5Kg, 12Kg…mà người kinh doanh sẽ kéo lệch mặt số lên trên hay xuống dưới như vậy sẽ gây ra sai số khi kim ở vị trí nằm ngang. Nếu lệch mặt số lên thì làm tăng khối lượng hàng hóa cần cân, khi kéo lệch mặt số xuống dưới sẽ làm giảm khối lượng hàng hóa cần cân (khi không có hàng hóa thì kim vẫn ở vạch 0).

– Làm tăng khoảng cách giữa kim đồng hồ với mặt số: khi đọc kết quả đo trên cân đồng hồ thì mắt của người đọc, kim đồng hồ và vạch đo phải nằm trên cùng một đường thẳng. Nhưng thông thường người mua hàng thường đứng trên cao, cân để dưới thấp nên khoảng cách giữa kim và mà mặt số càng xa thì góc lệch kết quả càng lớn.
– Ngoài ra còn một số phương pháp khác như:Chỉnh kim về vị trí song bằng chết tức kim của cân ở vị trí 0 nhưng thực tế các lò xo bên trong đang bị chùng, làm bẩn lò xo cân để thay đổi ví trí song bằng…

2.Khi thực hiện phép đo:

– Làm lệch song bằng ban đầu: kim đồng hồ không chỉ đúng số 0 trên mặt số thao tác này người tiêu dùng nếu chú ý thì để nhận biết được
– Không đặt đĩa cân lên giá cân trước khi cân, khi đó kim chỉ đúng vạch số o nhưng đĩa cân để bên ngoài. Khi người tiêu dùng mua hàng thì người bán để hàng cần mua lên đĩa cân sau đó đặt lên cân. Lượng hàng hóa bị thiếu bằng với trọng lượng của đĩa cân.

– Đổi đĩa cân: đĩa cân đặt sẵn trên cân là chiếc đĩa có trọng lượng khác với chiếc đĩa dùng để cân hàng hóa. Khi người mua chọn hàng hóa thì người bán để hàng vào một đĩa cân có sẵn và sau đó lấy đĩa cân trên cây cân xuống và đặt đĩa có hàng hóa lên và đọc kết quả. Lượng hàng hóa bị thiếu tương đương độ chênh lệch trong lượng của 02 đĩa cân.

– Xoay nút chỉnh song bằng trong lúc đặt đĩa cân lên giá cân và khi lấy đĩa cân xuống thì xoay nút chỉnh song bằng về vị trí cũ. Thao này chỉ có thể thực hiện đối với một số người buôn bán chuyên nghiệp và cố tình gian lận khách hàng
– Chêm lò xo cân để làm giảm độ giãn lò xo cân: Hiện nay trên thị trường cân đồng hồ lò xo được sử dụng rất nhiều, phía mặt sau cân có 01 lổ tròn nhỏ dùng để nhìn song bằng. Tuy nhiên người có ý định gian lận sẽ lợi dụng lổ tròn này để chêm vào bên đưới đòn cân một vật có tính đàn hồi (thanh thép dẽo, que tre mỏng…) để làm giảm trọng lượng hàng hóa. Mức độ sai số tùy theo độ đàn hồi của vật chêm vào. Mặt khác đối với một số cân đồng hồ lò xo loại lớn, bên dưới của cân có khoan 02 lỗ tròn người có ý định gian lận có thể đưa vật cần chêm vào tại vị trí này…Trong thực tế đã có trường hợp người bán lúa trước khi bán đã đem cân đồng hồ loại 100Kg đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để kiểm định cho đúng, sau đó cân thử số lúa cần bán được 10.000Kg. Hôm sau khi người đến mua lúa thì dùng cân mới kiểm định (cân đúng) để cân; kết quả còn 9.200Kg-mất 800Kg, người bán lúa(chủ của cây cân) đã đem cân đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để khiếu nại là sửa cân bị hư. Sau khi kiểm định viên mở cân ra thì bên trong có chêm 01 nhánh cây là sản phẩm của cây bông lồng đèn làm hàng rào của chủ nhà. Như vậy người mua lúa đã lợi dụng lúc chủ nhà không chú ý đã chêm nhánh cây vào.
Chính vì có nhiều cách gây sai số thường gặp như trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã qui định cân đồng hồ là phương tiện đo thuộc danh mục bắt buộc kiểm định. Kiểm định viên sẽ niêm dấu chì kiểm định vào 02 bên và dán tem chứng nhận kiểm định có thời hạn (thường là 01 năm) lên bề mặt đễ nhìn của cân.
Một số lời khuyên đối với người tiêu dùng:
– Khi mua hàng cần chú ý quan sát bên ngoài cân phải có niêm chì kiểm định 2 bên và có tem kiểm định còn hiệu lực; 02 dấu chì còn nguyên vẹn không móp méo; trên cân có đĩa cân hoặc mặt cân được gắn chặt vào giá đỡ, kim chỉ ngay vạch số 0, cân để ở vị trí vững chắc, không bị nghiêng lệch.
– Trong lúc cân hàng hóa nếu cân 01 lần (đối với người mua thịt, cá, rau, củ quả… số lượng ít) thì khi đặt hàng hóa lên đĩa cân, kim cân dao động tự nhiên, không bị vấp, khựng lại. trường hợp cân nhiều lần (đối với người mua bán lúa, tôm, cá, phế liệu… có số lượng lớn) cần lưu ý không để cho người cân có cơ hội chêm vật lạ vào bên trong cân, thỉnh thoảng dừng thao tác cân kiểm tra có vật lạ bên trong cân hay không (bằng cách lắc nhẹ cây cân để kiểm tra)
Kiến nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khi phê duyệt mẫu cần lưu ý một số vị trí có thể can thiệp để gây sai số; Nên phê duyệt lại mẫu cân đồng hồ đã phê duyệt đối với một số loại cân, hiệu cân có thể can thiệp gây ra sai số như đã phân tích ở trên giúp cho người tiêu dùng, người kinh doanh chân chính gỉam bớt thiệt hại, tạo ra thị trường kinh doanh công bằng, văn minh.

Bài viết liên quan